Ngày 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Quản lý vận hành nhà chung cư cũ và phát triển nhà ở xã hội là những chính sách lớn được các đại biểu đề cập đến.
Sở hữu một căn nhà ở xã hội vẫn đang là giấc mơ xa vời của công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Ảnh: Quang Vinh.
Phát triển nhà ở xã hội để bán, cho thuê còn nhiều vướng mắc, bất cập
ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, theo báo cáo đánh giá tác động thì chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NOXH) để bán, cho thuê là 1 trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong sửa đổi luật lần này nhưng chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.
Theo ông Hiển, chính sách và điều khoản trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dường như đang hướng đến mục tiêu cho người dân có quyền sở hữu NOXH. Nhưng thực tế người có thu nhập thấp, nhất là tại các đô thị, chủ yếu là công nhân, người mới đi làm có thu nhập thấp hơn mức trung bình, trong khi nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức đối với đại bộ phận người có thu nhập thấp nên việc mua, sở hữu một căn hộ dù là NOXH trả góp cũng là gánh nặng tài chính quá lớn. Do vậy, nếu cứ gắn mục tiêu này sẽ dẫn đến hệ quả là một số người sẽ khai thiếu trung thực các điều kiện như là thu nhập, diện tích để hưởng lợi từ việc mua NOXH với giá thấp. Hoặc người có tiền mượn tên công nhân để đăng ký mua dẫn đến hiện tượng đầu cơ, làm cho NOXH không phục vụ đúng đối tượng, mất đi ý nghĩa của nó.
“Nhờ các chính sách đúng đắn nên số lượng NOXH cho thuê ở nhiều nước phát triển bền vững, người có thu nhập thấp chưa chắc đã có được quyền sở hữu nhà ở nhưng quyền được ở NOXHcủa họ luôn được đảm bảo và bảo vệ ngày càng tốt hơn. Chẳng hạn, ở các nước như: Áo, Đan Mạch, Hà Lan đều có quỹ sản phẩm NOXH chiếm 20% quỹ nhà ở nói chung. Các nước như: Phần Lan, Pháp, Anh, Ireland cũng có quỹ sản phẩm NOXH chiếm từ 10-19% quỹ nhà ở nói chung” - ông Hiển phân tích, từ đó đề nghị chính sách về NOXH cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn. “Chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng NOXH đủ lớn đáp ứng nhu cầu của người dân” - ông Hiển kiến nghị.
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) phân tích: Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 đã ghi rõ phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển NOXH, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội. “Do vậy, dự thảo luật cần làm rõ hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cần xác định rõ và đúng thống nhất nội hàm NOXH” - ông Thành nói và đề nghị mở rộng hơn khái niệm về NOXH. Cần tránh quan niệm bất thành văn NOXH là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân, gây bức xúc trong dư luận.
Trong khi đó, ĐBQH Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) cho rằng, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về phát triển nhà ở tại khoản 6 Điều 73 dự thảo luật quy định “công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NOXH”. Song theo ông Thắng, hiện nay, các DN nhỏ và vừa, các cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp phát triển khá mạnh. Theo đó, nhu cầu về NOXH cho công nhân và lao động ở khu vực này là rất lớn. Để đảm bảo công bằng, ông Thắng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu mở rộng thêm các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NOXH. Đồng thời, xem xét lại các quy định về điều kiện, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NOXH. Bởi quy định như trong dự thảo luật còn bó hẹp, nhiều đối tượng cũng chưa tiếp cận được và vẫn còn những điểm bất cập.
Để giải quyết về vấn đề bốc thăm may rủi mua NOXH theo báo chí phản ánh trong thời gian gần đây, theo ĐBQH Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) thì ngoài việc quy định các đối tượng được hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở theo Điều 73 của dự thảo luật, cần có những quy định về thứ tự ưu tiên các tiêu chí cụ thể hơn để các đối tượng dễ dàng tiếp cận với NOXH. Đồng thời, cần có quy định chặt chẽ để không làm phát sinh việc trục lợi chính sách về NOXH.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng ĐBQH tại phiên họp sáng 19/6. Ảnh: Quang Vinh.
Quan tâm tới quản lý, vận hành chung cư cũ
Đề cập đến vấn đề quản lý vận hành nhà chung cư cũ, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) cho rằng, những quy định này chủ yếu dành cho các chung cư mới được xây dựng; có phí bảo trì được chuyển lại từ các chủ đầu tư dự án; có diện tích sử dụng chung để khai thác, phục vụ việc quản lý, vận hành tòa nhà; có sự đóng góp của cư dân. Trong khi đó hầu hết các quy định về quản lý, vận hành nhà chung cư không phù hợp với vấn đề quản lý các tòa nhà chung cư cũ được xây dựng từ 30, 40, 50 năm trước nhưng chưa đủ điều kiện phá dỡ.
Dẫn chứng cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994 với hơn 100.000 hộ dân sinh sống. Hệ thống các công trình kỹ thuật như điện, cấp, thoát nước đều “trăm hoa đua nở” do nhu cầu của người dân hiện nay so với thiết kế ban đầu đã vô cùng cách xa, bà Thoa đề nghị, để nâng cao chất lượng sống cho người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm mỹ quan đô thị, bên cạnh các quy định về cải tạo, phá dỡ, dự thảo luật cần có quy định riêng về quản lý, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì các tòa nhà chung cư cũ hiện nay.
“Cần nêu rõ vai trò quản lý của chính quyền địa phương, sự đầu tư của ngân sách nhà nước, nếu không các tòa nhà này sẽ rơi vào tình trạng chờ đợi cho đến khi hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ mới được phá dỡ” - bà Thoa kiến nghị.
ĐBQH Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cũng cho rằng, thời gian qua việc xây dựng đối với những nhà chung cư, nhà tập thể do nhà nước đầu tư và quản lý đã xuống cấp, hư hỏng nặng, gây nguy hiểm và rủi ro rất lớn đến tính mạng và tài sản của người dân, gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn, từ công tác quản lý cho đến việc giải quyết cho các hộ gia đình đang sinh sống ở trong các khu nhà ở đó. Từ đó ông Cường kiến nghị, tại Điều 64 dự thảo luật đối với trường hợp chung cư, nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước thuộc diện phải phá dỡ, xây dựng lại đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm hình thức nhà nước đấu thầu lựa chọn DN kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư xây dựng NOXH để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các hộ đang thuê.
Cho rằng dự thảo luật đã đưa việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư từ 1 mục với 7 điều thành 1 chương với 13 điều và nội dung của 13 điều này cũng rất phức tạp, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) băn khoăn: Điều kiện như thế nào được phá dỡ? Tỷ lệ số hộ đồng ý phá dỡ ra sao? Phá dỡ như thế thì tái định cư như thế nào? Tạm cư ra làm sao? Ngân sách có chịu trách nhiệm gì vào đây không?
Từ đó ông Cường đề nghị, không chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư cũ theo thời hạn công trình thiết kế mà phải quy định rất rõ là thời hạn sở hữu nhà chung cư phải theo thời hạn của công trình thiết kế.
Thúc đẩy nhanh các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, về chính sách sở hữu nhà ở một số ý kiến đề nghị phải có quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Dự thảo luật đã có bổ sung làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và xin ý kiến Quốc hội. Về các ý kiến liên quan đến cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã dành một chương để quy định về chính sách cải tạo, xây dựng nhằm phá dỡ các chung cư hư hỏng nghiêm trọng, bảo vệ an toàn cho người và tài sản của cư dân tại các khu nhà này, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ hơn các nội dung có liên quan như ý kiến của đại biểu Quốc hội để đảm bảo tính khả thi, thúc đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Chủ đề: xã hội người nghèo nhà ở Để mua được