Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) khoảng 25 triệu người, dự báo số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục gia tăng, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng.
Tổng nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình không giảm mà tiếp tục tăng cao, từ 6,1% (năm 2014) lên 10,2% (năm 2021) ở nhóm phụ nữ hiện đã kết hôn hoặc sống chung, đặc biệt tỷ lệ này ở nhóm phụ nữ có quan hệ tình dục, hiện chưa kết hôn hoặc không sống chung như vợ chồng lên tới 40,7%.
Tỷ suất sinh con ở vị thành niên (từ 15-19 tuổi) vẫn còn cao, trên toàn quốc là 42 trẻ sinh ra sống/1.000 phụ nữ, cao nhất ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (115) và Tây Nguyên (76), nơi tập trung đông các dân tộc thiểu số.
Việc tiếp cận các giải pháp chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản an toàn, hiệu quả ở Việt Nam vẫn là một thách thức lớn đối với nhiều cá nhân.
Các yếu tố về quan niệm, văn hóa phương Đông, điều kiện cơ sở vật chất, những hạn chế trong giáo dục giới tính thường dẫn đến những khoảng trống trong nhận thức về các lựa chọn trong chăm sóc sức khỏe sinh sản sẵn có. Thêm vào đó, các rào cản kinh tế khiến nhiều người không thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu chẳng hạn như biện pháp tránh thai và phá thai an toàn.
Ông Rodrigo Portugues, giám đốc quốc gia DKT Việt Nam
Ông Rodrigo Portugues, giám đốc quốc gia DKT Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng những thách thức này góp phần làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh không thể ngăn ngừa và mang thai ngoài ý muốn, kéo theo vòng luẩn quẩn nghèo đói”.
Ông Rodrigo Portugues cho rằng tại Việt Nam, tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên vẫn là một mối lo ngại, mặc dù đã có những cải thiện trong giáo dục cũng như khả năng tiếp cận và sẵn có của các sản phẩm và dịch vụ SKTD/SKSS vẫn cần phải tiếp cận thanh thiếu niên cung cấp thông tin chính xác và các phương pháp tránh thai hiện đại thông qua các nền tảng an toàn và ngôn ngữ thân thiện.
Mỗi năm trên thế giới có 121 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, trong số đó 61% được giải quyết bằng phá thai, tương đương với 73 triệu ca phá thai. Việt Nam có tỷ lệ phá thai ở mức cao. Đáng lo ngại là một số bà mẹ mới chỉ 12-13 tuổi, ở độ tuổi mà cơ thể chưa phát triển hoàn toàn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ mà còn đến cơ hội học tập, việc làm và một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.
Trước thực trạng này DKT Việt Nam đã nỗ lực khắc phục thông qua việc tiếp thị xã hội sáng tạo và sự tham gia của cộng đồng, đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận các dịch vụ cần thiết cho một tương lai khỏe mạnh hơn.
“Riêng trong năm 2023, chúng tôi đã giúp ngăn chặn khoảng 521.542 trường hợp mang thai ngoài ý muốn và ngăn ngừa khoảng 159.302 ca phá thai không an toàn. Những thành tựu này nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc cải thiện khả năng tiếp cận các biện pháp KHHGĐ an toàn và hiệu quả” – Ông Rodrigo Portugues cho biết.
Một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của DKT Việt Nam là triển khai các chương trình toàn quốc tập trung vào KHHGĐ và phòng, chống HIV, mang nhiều chương trình, dự án về SKSS/KHHGĐ và phòng chống HIV đến nhiều tỉnh thành ở Việt Nam.
“Chúng tôi đã thực hiện các chương trình tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS ở các tỉnh thành kết hợp với các trường đại học trên toàn quốc, hoạt động truyền thông và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về SKSS, tập trung vào giới trẻ, HSSV. DKT đã hợp tác chặt chẽ với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và đoàn thanh niên các tỉnh thành, tổ chức thanh niên địa phương và các trường đại học để tạo ra các chiến dịch giáo dục có tiếng vang với giới trẻ, giúp họ có khả năng đưa ra các quyết định sáng suốt.
Thêm vào đó, hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ y tế và các bệnh viện hàng đầu đã giúp nâng cao chuyên môn trong các phương pháp tránh thai và thực hành phá thai an toàn, cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ trên toàn quốc” – Ông Rodrigo Portugues chia sẻ.
Mỗi cột mốc này phản ánh sự cống hiến không ngừng của DKT Việt Nam trong việc thay đổi cuộc sống và xây dựng một tương lai khỏe mạnh hơn cho các thế hệ tại Việt Nam.
Trong tương lai, mục tiêu chính của DKT Việt Nam là mở rộng khả năng tiếp cân các dịch vụ chăm sóc SKTD/SKSS chất lượng cao trên toàn quốc.
Ông Rodrigo Portugues nói: “Chúng tôi đặt mục tiêu tăng cường hợp tác với các tổ chức địa phương và chính phủ để đảm bảo rằng các chương trình của chúng tôi mang tính toàn diện và phù hợp với văn hóa. Chúng tôi cũng có kế hoạch nâng cao chương trình đào tạo cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc, đặt biệt là ở các khu vực khó khăn”.
Giám đốc quốc gia DKT Việt Nam cam kết tận dụng công nghệ để tăng cường nhận thức và khả năng tiếp cận, đặc biệt là đối với giới trẻ. Ông mong muốn tạo ra môi trường công bằng hơn cho sức khỏe tình dục và sinh sản, đảm bảo rằng mỗi cá nhân đều có quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mà họ xứng đáng.
Thùy Linh