Liên quan đến việc giải bài toán thiếu chỗ học ở trường công, sau sức nóng từ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023- 2024, Sở Giáo dục và Đào Tạo (GDĐT) Hà Nội vừa có đề xuất mở thêm 5 lớp ở mỗi trường, sĩ số lớp từ 45 lên 50 ở khu vực nội thành và giáp ranh để tăng số học sinh vào lớp 10 trường công.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 Hà Nội năm học 2023- 2024.
Đề xuất 50 học sinh/lớp học
Ngay sau yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Sở GDĐT Hà Nội đã có báo cáo về công tác tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 gửi về Bộ GDĐT, UBND TP Hà Nội.
Trong báo cáo công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024, Sở GDĐT Hà Nội cho hay, dự kiến kết quả tuyển sinh của các trường THPT công lập năm học 2023- 2024 là 78.623, chiếm tỷ lệ 60,9%, tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023. Sở cũng ước tính trong 3 năm tới, số học sinh tốt nghiệp THCS tăng gần 29.000 so với 129.210 của năm nay. Trong khi đó, thành phố chỉ tăng 6 trường THPT công lập (không tính trường công tự chủ, hiệp quản).
Cụ thể, năm học 2024-2025 dự kiến có khoảng 134.942 học sinh, tăng khoảng 5.732 học sinh so với năm học 2023-2024. Năm học 2025-2026 dự kiến có khoảng 129.890 học sinh, tăng khoảng 680 học sinh so với năm học 2023-2024. Năm học 2026-2027 dự kiến có khoảng 151.710 học sinh, tăng khoảng 22.500 học sinh so với năm học 2023-2024.
Trước sức “nóng” của công tác tuyển sinh vào lớp 10 và lo ngại của dư luận về việc Hà Nội thiếu trường học cho học sinh, đặc biệt là ở những khu vực gia tăng dân số cơ học nhanh, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị Bộ GDĐT cho phép thành phố hưởng cơ chế đặc thù trong tuyển sinh lớp 10 ở các trường công lập thuộc 12 quận và một số huyện giáp ranh nội thành.
Cụ thể, các địa bàn này được tăng 10% số lớp, tức từ 45 lên 50 lớp một trường; tăng 10% số học sinh một lớp, từ 45 lên 50, và dùng tỷ lệ diện tích sử dụng/học sinh thay cho diện tích đất/học sinh trong các hoạt động đánh giá.
Ngoài kiến nghị này, Sở GDĐT Hà Nội còn đề xuất 7 nhóm giải pháp, gồm đẩy nhanh tiến độ xây mới và sửa chữa; rà soát những công trình chậm tiến độ để thu hồi đất xây trường; quy hoạch mạng lưới trường công đến năm 2050; tiếp tục phân tuyến tuyển sinh để điều hòa thí sinh hợp lý; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; đẩy mạnh xã hội hóa.
Cần giải pháp căn cơ
Trên thực tế, từ nhiều năm nay, tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của phụ huynh và toàn xã hội. Sức nóng của kỳ thi vào lớp 10 công lập ngày càng tăng khi mà quá trình đô thị hoá tại nhiều quận nội thành ngày càng diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng trường lớp không theo kịp tốc độ gia tăng dân số.
Trong khi về lý thuyết, ở nơi đông dân cư, việc xây dựng nhà ở cần đi liền với việc đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Vậy mà nghịch lý đã tổn tại nhiều năm qua giữa Thủ đô, đó là càng ở những nơi đông dân cư, điều kiện vào học trường công của học sinh càng bị thu hẹp. Ở các quận nội thành, điểm thi trên 40 vẫn trượt. Trong khi ở khu vực ngoại thành, có những trường chỉ 17 điểm vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Điều này phản ánh khoảng cách chất lượng giáo dục quá chệnh lệch. Cùng với đó, cũng cho thấy chiến lược phân luồng học sinh sau THCS chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.
Không ít trường THPT tại khu vực Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, sĩ số học sinh đã hơn 50 em/lớp từ lâu. Anh Ngọc Thành, cán bộ cơ quan Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, chi nhánh Hà Đông cho hay, lớp 10 con anh đang theo học ở quận Hà Đông hiện có 60 học sinh /lớp.
Nhiều phụ huynh lo lắng trước đề xuất tăng sĩ số học sinh bậc THPT trên mỗi lớp học. Chị Hạnh Ngân - khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ (quận Hoàng Mai) băn khoăn: Ở cấp tiểu học các cháu nhỏ có thể ngồi được 50- 60 cháu/lớp. Nhưng tới bậc THPT việc “lèn” quá nhiều học sinh/lớp học nếu diện tích lớp học không tăng, đây là một bất cập quá lớn. Do đó cần có biện pháp cấp thiết tại các quận nội thành Hà Nội là xây thêm trường, và trường công nào còn đất trống thì xây bổ sung thêm phòng học.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) phân tích, quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học, sĩ số học sinh/lớp của Bộ GDĐT áp dụng chung cho tất cả các địa phương tuy nhiên Hà Nội với đặc thù tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, việc xây mới trường học gặp khó khăn về quỹ đất. Do đó, nội dung đề xuất của Sở GDĐT khá phù hợp và có thể áp dụng được trong thực tiễn.
Đại diện Trường THPT Ngô Thì Nhậm (huyện Thanh Trì, Hà Nội) nêu quan điểm, đề xuất tăng số lớp học trong trường học, tăng sĩ số học sinh trong mỗi lớp còn liên quan tới qui định chuẩn của Bộ GDĐT. Theo Điều 16 Điều lệ trường THCS, THPT ban hành kèm Thông tư 32 của Bộ GDĐT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định cụ thể số học sinh trong mỗi lớp, bảo đảm mỗi lớp học ở các cấp THCS và THPT không vượt quá 45 học sinh. Như vậy, việc tăng sĩ số học sinh sẽ liên quan tới yêu cầu về đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Do đó, cần phải có giải pháp hài hòa.
Ông Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, đề xuất tăng học sinh/lớp hay tăng lớp học/trường là giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời “hạ nhiệt” vấn đề nóng. Bộ GDĐT đã có hướng dẫn, quy định về sĩ số học sinh/lớp và địa phương không nên thay đổi chính sách đã được nghiên cứu, áp dụng thực tiễn nhiều năm qua.
Giải pháp căn cơ vẫn là Hà Nội xây mới thêm trường học, kể cả trường có số lượng lớp học ít. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách để hỗ trợ các trường ngoài công lập phát triển về quy mô và chất lượng; đầu tư hơn nữa cho hệ thống trường nghề để học sinh được đào tạo có việc làm, thu nhập tốt từ đó thu hút được sự quan tâm của người học, đồng thời đạt được mục đích phân luồng học sinh sau bậc THCS.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Ngoài việc quy hoạch mạng lưới trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây trường học ngoài công lập, cần đẩy mạnh việc phân luồng sau bậc THCS. Cùng với đó, chất lượng hệ thống các trường nghề hiện nay cần nhanh chóng đổi mới để đáp ứng được đòi hỏi thực tế, tạo sự yên tâm đối với người học.
Chủ đề: học sinh THPT thiếu trường lớp bậc Tăng sĩ số có khả thi