Dịch bùng phát là lúc nhà biên kịch Vanessa Garcia, ở Florida, Mỹ, cùng người chồng Ignacio nhận nuôi đứa con thứ hai, một em bé mới 2 ngày tuổi. Không bán được tác phẩm khi các rạp chiếu phim tạm dừng hoạt động, Garcia mất toàn bộ nguồn thu trong khi chồng cô vừa nghỉ việc.
Buộc phải ở nhà khi các lệnh phong tỏa được ban hành, người phụ nữ 42 tuổi và chồng dành toàn thời gian để bảo vệ hai con nhỏ cùng bố mẹ đã ngoài 90 tuổi, khỏi các mối nguy hại về sức khỏe.
"Quá nhiều rắc rối ập đến", nữ biên kịch kể về cuộc sống thực tại. "Quá nhiều thứ" cũng là cách nói ngắn gọn để mô tả về cuộc sống của người Mỹ khi dịch bệnh bùng phát. Nhất là những người vừa phải quán xuyến việc gia đình, chăm sóc con cái, bố mẹ cao tuổi và cân bằng công việc.
Nhà biên kịch Vanessa Garcia chụp ảnh cùng chồng và hai con, đã bạc trắng đầu vì những áp lực khi ở nhà trông con. Ảnh: Vanessa Garcia
Cuộc khảo sát đầu năm 2020 của Hiệp hội Tâm lý Mỹ cho thấy, các bậc phụ huynh có sự căng thẳng rõ rệt hơn những người độc thân hoặc chưa sinh con. Các nghiên cứu gần đây cũng dùng nhiều từ ngữ miêu tả sự khủng hoảng khi phải chăm sóc con trong dịch, như "chạm đáy", "thịnh nộ", "khủng hoảng sức khỏe tinh thần" và "áp lực đè nặng".
Các chuyên gia nói rằng các gia đình có con dưới 5 tuổi như đang ở trong địa ngục, khi trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng vaccine và các dịch vụ chăm sóc, trông giữ trẻ đều tạm nghỉ. "Tôi không biết thời kỳ đen tối này sẽ kéo dài đến lúc nào. Nhưng chắc chắn sẽ kết thúc", Garcia nói.
Ngoài tác động vào tâm lý, áp lực chăm sóc con cái còn tạo ra sự căng thẳng mãn tính, khiến tăng vùng quầng thâm mắt, nếp nhăn, bạc tóc và tăng cân khi các phòng tập thể dục ngưng hoạt động.
Nhưng không phải tất cả đều xấu. Đối với Garcia, vui vẻ chấp nhận mái tóc đen sang bạc trắng và được tạo kiểu khiến cô thoải mái hơn, thay vì sống trong sự căng thẳng và oán trách nghịch cảnh.
Tháng 3/2020, nữ y tá Caroline Broomell rất vui sướng khi nỗ lực giảm được gần 7 kg. Hai cô con gái đang học lớp 7 và mẫu giáo bắt đầu quay lại trường sau kỳ nghỉ đông, khiến Broomell có thời gian rảnh rỗi. Nhưng nữ y tá đã lầm, khi đại dịch bùng phát khiến cuộc sống của cô đảo lộn. Mỗi ngày, Broomell và chồng, cũng là một nhân y tế phải hỗ trợ tuyến đầu chống dịch đến tối muộn và đêm về nhà lại kèm cặp hai con học bài.
"Bệnh nhân quá đông khiến chúng tôi không còn thời gian ăn uống hay nghỉ ngơi. Về nhà lại phải chăm sóc con cái. Tôi cảm giác như mình vừa là y tá, giáo viên và kiêm bảo mẫu của hai con", cô chia sẻ. Căng thẳng kéo dài và sinh hoạt thiếu khoa học khiến Broomell tăng hơn 13 kg.
Để tiện chăm sóc gia đình, người phụ nữ 45 tuổi đã chuyển sang một công việc gần nhà, nơi cho phép nhân viên làm việc trực tuyến hai ngày mỗi tuần. Đồng thời, Broomell cũng tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ để giảm cân và điều trị chứng lo âu sau đại dịch.
Nicole Dahl buộc phải nhuộm tóc khi bị bạc trắng nửa đầu sau hai năm đại dịch. Ảnh: Nicole Dahl
Còn với Nicole Dahl, 39 tuổi, phó chủ tịch của khách sạn ở Tucson, Arizona, đại dịch khiến cô gia tăng căng thẳng và kiệt sức khéo dài. Người mẹ hai con (5 tuổi và 7 tuổi) mô tả bản thân từng là người trẻ trung, tràn đầy năng lượng, hy vọng và đi tập gym mỗi ngày. Nhưng đại dịch khiến cô bạc nửa đầu vì áp lực.
"Tôi căng thẳng vì đại dịch hoành hành, áp lực phải giữ cho khách sạn tồn tại cùng nỗi lo phải bảo vệ những đứa con an toàn và giúp chúng được phát triển tốt nhất về tình cảm, tinh thần, trí tuệ", cô nói. Không còn giữ thói quen trang điểm, chăm sóc da hay đến phòng tập mỗi ngày, Nicole đã tăng 4,5 kg và vẻ bề ngoài tiều tụy lộ rõ.
"Có lẽ chúng ta nên lùi lại một bước để xem xét tất cả, khi các phương pháp nuôi dạy con không phù hợp trong thời điểm hiện tại. Tôi hy vọng các bậc phụ huynh cần học cách cân bằng và sắp xếp lịch trình khoa học hơn", Nicole bộc bạch.
Minh Phương (Theo Insider)Trở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×