Do đang có việc cần 200 triệu, nghĩ trong đầu mượn mẹ cũng ngại, đi vay ngân hàng thì mất thời gian cho các thủ tục nên bác sĩ D.M.T (TP.HCM) chọn vay tín chấp. Không ngờ anh gặp ngay cú lừa của kẻ giấu mặt.
Kế hoạch hoàn hảo
"Thấy trên mạng có tài chính Song Hùng cho vay không mất thời gian thẩm định, lãi thấp, giải ngân nhanh, mở mạng ra tra lại thấy công ty có mã số thuế hẳn hoi nên tôi yên tâm đăng ký”, bác sĩ T. kể.
Sau khi khoản vay được phê duyệt, T. bấm nút tải từ ví điện tử của công ty về tài khoản nhưng bị lỗi. Liên hệ với Trần Thông Dũng – người tự xưng chăm sóc khách hàng của công ty trên – anh ta nói do T. nhập sai số tài khoản.
Dũng gọi điện nói, để được sửa thông tin thì bác sĩ T. phải nộp 20 triệu đồng phí ủy quyền. 20 triệu này là tiền cọc (10% số tiền T. cần vay), sau đó sẽ được giải ngân cùng khoản vay.
Tên Dũng gửi cho T. một văn bản đóng dấu đỏ online, T. không mảy may nghi ngờ và chuyển 20 triệu theo nội dung anh ta gửi sẵn.
Lúc sau Dũng lại gọi điện báo T. chuyển tiền nhưng nội dung bị thừa! Anh ta giải thích một hồi rồi nói tiếp: “Bên em giao dịch toàn trên máy nên cú pháp phải đúng, giờ anh phải chuyển thêm 40 triệu để bên em sửa lại thông tin, số tiền này sẽ được hoàn đầy đủ khi giải ngân”.
Bác sĩ T. kể, ngay lúc đó, tên Dũng đưa điện thoại cho một người tự xưng “bên phòng ủy quyền”. Anh này cầm máy và mắng té tát, bảo sao không làm đúng hướng dẫn. “Đến đoạn này gần như là tôi đã bị thao túng hoàn toàn, mọi sự đều trăm sự nhờ Dũng và mọi người”, bác sĩ T. nói.
Ảnh chụp màn hình từ các yêu cầu, thủ đoạn mà kẻ lừa đảo gửi cho bác sĩ M.T
Bị lừa và cú giật mình đau đớn
Khi tiền đã đổ về ví điện tử đầy đủ cả khoản vay và 60 triệu ủy quyền khi nãy, T. yên tâm nhấn vào nút “Rút tiền về tài khoản liên kết”, thì ngay lập tức nhận được thông báo “Bạn đã vi phạm hợp đồng!”. Tên Dũng biến mất một hồi rồi lại tiếp tục gọi điện: “Trời ơi anh ơi anh làm thế này thì chết em rồi! Anh phải rút lần lượt 200 triệu trước rồi mới đến 60 triệu kia sau chứ?”. Mắng xong Dũng bảo để anh ta báo sếp.
Sau khi biết chuyện, “sếp của Dũng” lại mắng té tát T: “Em làm phiền bọn anh quá, giờ phải mất thêm 100 triệu để bảo lãnh cho em với bên ngân hàng”.
T. nghe xong vẫn chỉ run, nhưng thấy anh "sếp” kia trấn an nên cảm thấy tự tin. “Em cố gắng xoay đi, xong toàn bộ tiền vay và 160 triệu em đóng nãy giờ sẽ đổ hết về tài khoản cho em", anh "sếp" nói.
Bác sĩ T. lại răm rắp nghe lời, gọi điện khắp nơi mượn tiền với suy nghĩ trong đầu “Có rồi trả lại ngay cho bạn!”. Diễn biến sau đó, theo T., cứ liên tục chuyện sai cú pháp rồi phải giải trình, Dũng và “sếp” anh ta thay phiên nhau người đấm kẻ xoa, khiến T. như một con rối - cứ gọi vay rồi chuyển thêm 2 lần 100 triệu nữa.
“Vậy là tôi đã chuyển liên tiếp 5 lần tiền (360 triệu đồng - nv) cho Song Hùng trên một tài khoản cá nhân. Mọi sự chỉ bừng tỉnh khi nhân vật thứ ba xuất hiện là anh trưởng phòng giải ngân.
Sau khi gọi điện trình bày thì anh ta nhắc gì đó đến mã OTP của tôi và yêu cầu phải chuyển thêm 200 triệu để kịp giải ngân. Lúc này tôi mới bừng tỉnh, nãy giờ mình đã làm gì thế này”.
Trong niềm hi vọng nhỏ nhoi, bác sĩ T. đã có động thái lên cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao để trình báo nhưng chưa có kết quả. T. cũng nhận được cuộc gọi đe doạ từ phía Song Hùng là nếu không nộp tiếp 200 triệu đồng để kịp giải ngân thì sẽ đến tận nhà xử lý rồi người thân sẽ không yên ổn.
“Đến giờ, khi tỉnh ra tôi mới biết khi đó mình như kiểu bị thôi miên, bị ai thao túng, đầu óc chỉ biết tìm cách vay tiền để chuyển cho đội kia thôi”, T. xót xa.
Chuyện của bác sĩ T. tuy đã trôi qua được một thời gian nhưng mỗi khi nhắc lại ai cũng xót. Theo bác sĩ M.T, đây là chuyện đáng cảnh giác vì ở ngoài kia, tội phạm mạng, công nghệ cao vẫn đang “nhiệt tình” tìm kiếm những người khó khăn hoặc cần tiền gấp để giăng bẫy. Và chắc chắn, trong phút mất cảnh giác, sẽ lại có những nạn nhân tiếp theo. Không phải ai cũng dám lên tiếng vì… lỡ tin kẻ gian đến mất tiền, không những không vay được mà còn thêm khó khăn, nợ nần.
Không có chuyện vay tiền dễ dàng như vậy!
Đánh vào tâm lý muốn vay mượn dễ dàng của nhiều người, kẻ lừa đảo đã bẫy nạn nhân khi chấp nhận cho vay số tiền lớn, lại không thế chấp, duyệt nhanh, thủ tục đơn giản… Theo tôi, mọi người cần giữ các nguyên tắc như sau khi vay tiền hoặc có lời mời vay tiền:
1. Tuyệt đối không cả tin khi vay mượn quá dễ dàng
2. Cẩn trọng và tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đề nghị
3. Tham khảo các chuyên viên ở những ngân hàng lớn
Ông Lưu Quỳnh Anh
(Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp vùng, Ngân hàng Á Châu)
'Nhận quà tri ân' qua mạng, sản phụ bị lừa hơn 300 triệu đồng chỉ trong 5 giờ
Các chiêu trò lừa nhận quà, làm nhiệm vụ trên không gian mạng khiến không ít người bị mất số tiền lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng dũng cảm kể lại "bài học" của mình như chị Hà Thị Hiển, chủ cửa hàng điện máy ở Thái Nguyên.
Người phụ nữ bật khóc sau 8 năm kết hôn vì phát hiện cú lừa của bố mẹ đẻ
TRUNG QUỐC - Nghĩ đến chuyện em trai được ở trong căn nhà lớn, nội thất hoành tráng còn mình phải đi vay lãi trả nợ, lòng cô đau như cắt. Cuối cùng cô nhận ra, bố mẹ thực sự chỉ quý trọng em trai.
Cú lừa của nữ đại gia trong đám cưới khiến mẹ già nhập viện, cả họ sốc nặng
Liên tục bị mẹ thúc giục, tạo áp lực phải lấy chồng, nữ “đại gia” dốc hầu bao thuê chú rể, mời quan khách, tổ chức đám cưới giả để rồi nhận về kết cục cay đắng.
Bình luận